Xóm Rẫy Cụ Hồ

            Xóm Rẫy Cụ Hồ là một di tích cách mạng có ý nghĩa quan trọng, đó là niềm tự hào về tinh thần đoàn kết quân dân để chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm của nhân dân Sa Đéc; đây là một điểm son của lịch sử đấu tranh gìn giữ quê hương, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.


Từ sau ngày Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, chính quyền nhân dân ở Sa Đéc được thiết lập và củng cố nhưng đầu năm 1946, với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã quay lại, nổ súng chiếm thị xã Sa Đéc. Chúng đã thẳng tay đàn áp, bắt bớ, giết hại, khủng bố những người yêu nước, hoạt động cách mạng và nhân dân ta…

 Để chống lại mọi âm mưu xâm lược của giặc, cuối năm 1946, Chi bộ Tân Phú Đông được thành lập, củng cố mọi tổ chức, xây dựng lực lượng du kích, hình thành nên căn cứ kháng chiến, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch.

 Thị uỷ Sa Đéc chủ trương thành lập căn cứ kháng chiến sát nách thị xã, căn cứ này được nằm kề bên con đường nối liền Sa Đéc- Lai Vung- Lấp Vò để về những nơi như Long Xuyên- Châu Đốc- Rạch Giá- Hà Tiên. Căn cứ có diện tích khoảng 4 hécta, từ đường nhựa đi vào khoảng 150 mét, trồng toàn rau xanh; nơi đây, lúc bấy giờ có khoảng 25 gia đình, mặt tiền thì nhà cửa thưa thớt, trong rẫy xẻ nhiều đường ngang lối dọc. Trong “Rẫy” còn có chùa Ông, được xem là nơi trú ngụ an toàn nhất của cán bộ và bộ đội cách mạng mỗi khi đi công tác ghé qua hoặc trú quân. Các hộ ở mặt tiền là trạm giao liên, là cơ sở cách mạng để báo tin vào căn cứ khi có người lạ mặt xuất hiện hoặc quân địch dò la tin tức.


Kẻ thù biết rất rõ “xóm Rẫy Cụ Hồ” là nơi tổ chức, hoạt động và nuôi chứa cán bộ cách mạng; đồng thời, cũng là trạm giao liên quan trọng để cán bộ từ các nơi khác đến căn cứ của Tỉnh uỷ công tác và về miền Đông Nam bộ… nhưng chúng hoàn toàn không làm gì được. Nhiều lần, thực dân Pháp và tay sai lên kế hoạch đánh phá vào “Rẫy” nhưng chúng đã không thực hiện được, vì lực lượng cách mạng đã chủ động đối phó và bảo vệ “Rẫy” an toàn.

 Từ ngày thành lập cho đến 1954, “xóm Rẫy Cụ Hồ” đã là căn cứ địa vững chắc của cách mạng, đã cưu mang, che chở nhiều cán bộ và bộ đội khi đi công tác hoặc hành quân qua lại giữa các tỉnh từ miền Tây đến miền Đông Nam bộ. Trung tướng Nguyễn Bình, đồng chí Phạm Văn Bạch, Nguyễn Văn Nguyễn, tiểu đoàn 307 đã từng ghé đây và trú quân tại chùa Ông. Trong suốt quá trình tồn tại, lực lượng vũ trang của thị xã đã phối hợp để bung ra đánh địch và tiêu diệt được 148 tên, có 26 tên Pháp, thu nhiều quân trang, quân dụng, vũ khí đạn dược….

 “Xóm Rẫy Cụ Hồ” có diện tích không lớn lắm, địa bàn hoạt động cũng không rộng, lại nằm trong vùng địch kiểm soát nhưng có lực lượng quần chúng đông đảo, đồng tình che chở, nuôi chứa…. Đây là căn cứ của lòng dân tin Đảng, tin vào chính nghĩa tất thắng cho dù có phải hy sinh, gian khổ, hiểm nguy cũng không nề hà để giành cho được độc lập, tự do cho Tổ quốc:



“Xóm Rẫy Cụ Hồ” là một di tích cách mạng có ý nghĩa quan trọng, đó là niềm tự hào về tinh thần đoàn kết quân dân để chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm của nhân dân Sa Đéc; đây là một điểm son của lịch sử đấu tranh gìn giữ quê hương, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Để giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, cùng tiếp bước cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… “xóm Rẫy Cụ Hồ” được Đảng bộ và Chính quyền thị xã Sa Đéc quan tâm đầu tư để có các công trình duy tu, tôn tạo, bảo quản và đặt bia kỷ niệm. Ngày 28 tháng 3 năm 2002, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có quyết định công nhận nơi đây là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.