Cây Đa Búp Đỏ

Cây Đa Búp Đỏ hay còn gọi là Đa cao su, Đa dai có tên khoa học là Ficus elastic, là loài thực vật có hoa trong chi Đa đề (Ficus), thuộc họ Dâu tằm – Moraceae. Đa Búp Đỏ có nguồn gốc từ Đông Bắc Ấn Độ kéo dài xuống phía nam Indonesia. Do có chồi ngọn được bao bọc bởi một lá kèm màu đỏ, tạo thành một búp non đỏ rực nên được gọi là cây Đa búp đỏ. Búp non này lại có hình ngòi bút lông viết chữ nho ngày trước, nên nó cũng được gọi tên là đa bút. Ngoài ra, nó là một loài cây do người Pháp dẫn giống vào Việt Nam trồng thử nghiệm nhằm lấy cao-su thay thế cho những vùng sinh thái đặc thù mà ngày ấy họ trồng thử cây cao su không thành công, và từ đó nó lại có tên là cây Đa cao su.

Cũng như hàng ngàn loài khác trong cùng chi Ficus (thường được dịch ra tiếng Việt là sung, tiếng Anh là fig), toàn thân cây đa búp đỏ có chứa một loại nhựa mủ màu trắng như sữa. Nhưng cá biệt, mủ của đa búp đỏ có tính đàn hồi mạnh nên đã có tên khoa học là Ficus elastica (trong đó, elastica có nghĩa là đàn hồi). Cũng vì mủ của nó có khả năng thay cao-su nên nhiều tên tiếng Anh dành cho cây đa búp đỏ đều có từ “rubber”, như: rubber fig, rubber tree, rubber plant, indian rubber bush và tiếng Pháp là arbre à caoutchouc (cây gỗ cho cao-su).

Do dễ nhân giống và chăm sóc, không đòi hỏi nhiều điều kiện phức tạp nên ngày nay nó xuất hiện khắp nơi, được xem là một loài cây cảnh quan phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Một cây Đa búp đỏ được trồng ở nền đất dày, đủ ẩm nhưng không úng, có chất dinh dưỡng cao thì trong một thời gian ngắn, chỉ non chục năm, nó đã tỏa bóng rợp cả một không gian rộng lớn. Một công viên, một khuôn viên công sở có được vài ba cây đa búp đỏ tuổi 10-15 năm nằm liên kề nhau đã đủ tạo nên một tiểu khí hậu lý tưởng cho người và động vật.

Là một loài cây thường xanh, ưa sáng, có khả năng tỏa cành rộng, sẽ choán không gian nhiều, nên khi trồng cần chú ý tránh những nơi rợp bóng làm cây vàng vọt, sinh trưởng yếu; đồng thời cũng phải xác định không gian tối thiểu cho cây tỏa bóng sau này. Khi trưởng thành, Đa Búp Đỏ có thể cao đến 30 – 40m, với đường kính thân tới 2m, nhiều cành nhánh mọc tỏa ngang kéo dài ra tạo cho đường kính tán có thể lên tới vài ba chục mét. Những cành mọc tỏa ngang luôn có khả năng sinh ra những rễ khí sinh mọc thỏng theo địa hướng động, dần dần tạo thành những thân giả, lại càng làm cho cây chiếm lĩnh không gian nhiều hơn. Do vậy, nhiều tác giả đã xem dạng sống của nó là dạng sinh trưởng ngang hay sinh trưởng vươn vai. Và cũng chính đặc điểm này khiến cho việc đưa trồng ở vỉa hè đường phố không mấy thích hợp, nó sẽ nhanh chóng che chắn tầm nhìn và cản lối giao thông. Do có búp non đẹp, lá lại bóng láng cũng bắt mắt nên rất được nhiều người ưa chuộng. Ngoài việc được chọn như một cây có giá trị tạo bóng, tôn tạo cảnh quan những không gian rộng lớn, đa búp đỏ còn được trồng làm cây tiểu cảnh phổ biến từ vườn nhà đến khuôn viên các cơ quan hành chính.

Thông thường, có thể nhân giống cây Đa búp đỏ bằng cành giâm hay cành chiết. Cũng có thể cắt tỉa bớt cành nhánh để kích thích các chồi ngủ phát triển rồi dùng nó để giâm thành cây con.

Nhựa mủ của cây Đa Búp Đỏ có tính độc nhẹ, có thể gây dị ứng cho một số người mẫn cảm khi họ ăn phải hoặc chạm tay trực tiếp vào nó. Tốt nhất, khi chưa biết mình có mẫn cảm với mủ của nó hay không thì nên mang bao tay lúc cần mó tay vào. Nhiều nơi, trẻ con thường lấy mủ của đa búp đỏ vo thành viên cỡ bằng quả bóng bàn để chơi thẻ. Phụ huynh nên lưu ý để tránh ngộ độc đối với những trẻ mẫn cảm. Tuy nhiên, cũng có tài liệu cho rằng mủ đa búp đỏ dùng chữa được mụn nhọt. Ngoài ra, lá cây cũng được dùng để giải cảm; tua rễ có tác dụng lợi tiểu, thường được dùng chữa phù nề và cổ trướng do xơ gan.

Trồng và sử dụng Đa Búp Đỏ

Cây Đa Búp Đỏ được trồng làm cây cảnh ngoài trời tại các khu vực không bị sương giá từ khu vực nhiệt đới tới khu vực Địa Trung Hải và trong nhà trong các khu vực có khí hậu lạnh hơn.

Một số công dụng của cây Đa Búp Đỏ

Cây Đa Búp Đỏ thường được trồng để tạo cảnh quan, bóng mát nhưng không trồng ven đường vì dễ bị gẫy đổ khi gió lớn, do đó thường được tỉa cành và tỉa bớt thân nhỏ tạo từ rễ phụ.

Dược học dân gian Việt Nam về cây Đa Búp Đỏ

Tại Việt Nam, Rễ phụ và lá đa búp đỏ được xem là có vị nhạt, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, làm thoát mồ hôi vả được dùng trị phù thũng, bụng báng giữ nước do sơ gan. Mủ dùng chữa mụn nhọt.


Nghiên cứu khoa học về Vỏ rễ Đa Búp Đỏ

Vỏ rễ của cây Đa Búp Đỏ đã được Y dược dân gian tại Đông Phi châu dùng đễ trị đau nhức bắp thịt và khớp xương. Một nghiên cứu, công bố trên Tạp chí Archives internationale de Pharmacodynamie et de Therapie Số tháng 5 năm 1986 ghi nhận hoạt tính chống sưng và đau của F. elastica tương tự như indomethacin khi thử nghiệm trên chuột bị gây sưng và phù do carra geenin: Liều nước sắc vỏ rễ (2-10 mg/kg) có hoạt tính ức chế đau và sưng tương đương với liều indomethacin (1-5 mg/kg). Hoạt tính chống đau và sưng này được cho là do các flavonoids trong cây.

Cây Đa búp đỏ ưa thích khu vực nhiều nắng nhưng không có nhiệt độ quá cao. Nó có thể chịu được khô hạn, nhưng ưa ẩm và phát triển tốt trong các điều kiện nhiệt đới mưa nhiều. Khi trồng làm cây cảnh thì giống lai có tên gọi Robusta với các lá cứng hơn, rộng bản hơn và đứng thẳng hơn nói chung hay được sử dụng thay cho dạng hoang dại. Nhiều dạng như vậy tồn tại, thông thường với các lá lốm đốm màu.

Cây Đa Búp Đỏ có thể sinh ra nhựa mủ màu trắng sữa, trong một số trường hợp cũng được dùng để sản xuất cao su, nhưng nói chung không đáng kể so với cây cao su. Nhựa mủ từ đa búp đỏ cũng được sử dụng để làm một loại kẹo cao su là Hubba Bubba của công ty Wrigley.