CÂY MÍA DÒ

    Cây mía dò còn có tên gọi khác là cát lồi, đọt đắng, đọt hoàng, tậu chó (Lạng Sơn), củ chóc, ,có tên khoa học là Costus speciosus, đây là loài phổ biến nhất thuộc chi Costus (chi Mía dò) của họ Costaceae. Loài này được (J.König) C.Specht mô tả khoa học đầu tiên năm 2006. Chi Mía dò khác với gừng thông thường ở chỗ chỉ có một hàng lá xếp hình xoắn ốc.



    Đặc điểm

    Cây mía dò thân thảo, sống lâu năm, cao 1 – 2m, có khi đến 3m. Thân rễ to, nạc, mọc bò ngang, phần non có vảy bao bọc, vảy có lông ngắn. Thân xốp, ít phân nhánh. Lá mọc so le, hình trứng thuôn, gốc tròn có bẹ, đầu nhọn, mép nguyên, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn, dài 15 – 20 cm, rộng 6 – 7 cm, gân chính nổi rõ. Lá non mọc thành một đường xoắn ốc rất đặc biệt. Bẹ lá nhẵn hoặc có lông, lúc non màu lục nhạt sau chuyển trắng ngà hoặc đỏ sẫm; lưỡi bẹ phẳng hoặc hơi vát.

    Cụm hoa mía dò mọc ở ngọn thân thành bông chuỳ, dài 8 – 13m, rộng 5 – 9m; lá bắc dày, xếp lợp, màu đỏ, có mũi nhọn, lá bắc con kề bên, cùng màu; đài hình ống loe ở đầu, có 3 răng cứng màu đỏ sẫm; tràng hình phễu, có ống ngắn và cong màu trắng, họng vàng, nhẵn hoặc có lông; nhị dạng cánh mang một bao phấn, chỉ nhị kết hợp với trung đới kéo dài thành một phần phụ hìnhh trứng đảo hẹp, đầu tròn cong lòng máng ôm lấy vòi nhuỵ; Cánh môi to, màu hồng, trắng hoặc vàng, khía rắng ở đầu; bầu nhẵn hoặc có lông.

    Quả nang hình trứng hoặc hình bầu dục có 3 cạnh, màu đỏ sẫm, có đài tồn tại; hạt nhiều, có cạnh không đều, màu đen. Mùa hoa quả: tháng 7 – 11



     Loài này còn có một thứ là Costus speciosus (Koenig) Smith var.argyrophyllus Wall. Với đặc điểm là mặt dưới lá màu lục nhạt phủ lông dài và dày hơn. Lá bắc, đài hoa, bầu và quả có lông cứng, nhỏ màu hung xám.
    Công dụng

    Ngọn hay cành non mía dò đem nướng, rồi vắt lấy nước nhỏ chữa đau mắt, đau tai.

    Thân rễ mía dò chữa sốt, đái buốt, đái nước tiểu vàng, viêm bàng quang.
    Ngày dùng 5 – 10g dưới dạng nước sắc, cao lỏng hoặc cao mềm. Dùng riêng hoặc phối hợp với lá lành ngạnh chữa bí tiểu tiện; với mộc tặc chữa đái đục; với cỏ xước, cà gai leo; thổ phục linh chữa tê thấp, nhức xương.

    Dùng ngoài, thân rễ mía dò giã đắp chữa rắn cắn.

    Ở Trung Quốc người ta dùng mía dò chữa viêm thận, phù thũng, xơ gan cổ trướng, tiểu tiện không thông, mề đay. Ở Ấn Độ, mía dò dùng làm thuốc chữa sốt, bệnh ngoài da, rắn cắn. Ở Indonesia, mía dò chữa các bệnh về mắt. Ở Lào và Malaysia, dịch hãm hoặc nước sắc của lá mía dò là thuốc ra mồ hôi hoặc dùng làm nước tắm cho bệnh nhân sốt cao. Ở Malaysia, người ta còn dùng mía dò với trầu không để chữa ho.