Cây Thụy hương

 Thụy hương (Daphne) là một loại cây bụi để trang trí trong vườn nhà rất được ưa thích ở châu Âu. Rợp mát với tán lá xanh mướt rậm rạp cùng với những chùm hoa ngát hương, nhưng lá và quả đều rất độc.

Chi Thụy hương (hay chi Dó), danh pháp khoa học: Daphne, là một chi của khoảng 50-95 loài cây bụi lá sớm rụng hoặc thường xanh trong họ Trầm (Thymelaeaceae), có nguồn gốc châu Á, châu Âu và miền bắc châu Phi. Chúng được biết đến vì có hoa thơm và quả mọng có chứa chất độc. Hoa của các loài thụy hương không có cánh hoa và có 4 (ít khi 5) đài hoa dạng cánh hoa, có màu từ vàng ánh lục (vàng chanh) tới trắng hoặc hồng nhạt. Phần lớn các loài với lá sớm rụng có hoa màu ánh lục, trong khi các loài lá thường xanh lại có hoa màu hồng. Ở nhiều loài, hoa xuất hiện vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân.



Một số loài Thụy Hương

Thụy hương (bồng lai tử - Daphne odora)

Thụy hương, còn gọi là bồng lai tử, phong lưu thụ, danh pháp hai phần: Daphne odora. Đây là loài cây bụi thường xanh. Nó hiếm khi ra quả, nhưng khi ra quả thì nó có quả màu đỏ sau khi nở hoa.

Thụy hương là cây bản địa Trung Quốc và Nhật Bản và mọc tốt nhất trên đất màu mỡ, đất hơi chua một chút, chứa nhiều nước. Loài cây này không sống lâu, chỉ từ 8-10 năm. Thụy hương khó ra rễ nên khó chiết cành, nó cũng dễ bị nhiễm virus.

Thụy hương hồng (Daphne cneorum)

Thụy hương hồng, danh pháp hai phần: Daphne cneorum, là một loài cây bụi mọc thấp được trồng vì có hoa màu hồng thơm. Tất cả các bộ phận của loài này đều độc đối với con người. Nó là loài thực vật châu Âu, có trong khu vực từ Alps tới Pyrénées. Loài này cũng phân bố khắp phía tây Canada.

Thụy hương lá lanh (Daphne gnidium)

Thụy hương lá lanh, danh pháp hai phần: Daphne gnidium. Thụy hương lá lanh có chứa chất độc mezerein và daphetoxin. Tất cả các bộ phận của cây đều được xem là độc tố cao.

Thụy hương Á-Âu (Daphne mezereum)

Thụy hương Á-Âu (Daphne mezereum) là một loài thuộc Chi Thụy hương trong họ Thymelaeaceae, bản địa phần lớn châu Âu và Tây Á, về phía bắc đến bắc Scandinavia và Nga. Loài cây này cao 1,5 mét, lá mềm dài 3–8 cm và rộng 1–2 cm. Hoa nở vào mùa xuân. Quả màu đỏ tươi có đường kính 7–12 mm và rất độc đối với con người dù một vài loài chim ăn quả này. Phân loài được công nhận là Daphne mezereum subsp. rechingeri.

Nguyên hoa (Daphne genkwa)

Nguyên hoa, danh pháp hai phần: Daphne genkwa (Siebold & Zucc., 1840), là một loại cây bụi thường xanh và là một trong 50 thảo dược chính của Trung y. Tại Trung Quốc nó được gọi là 芫花 (yuán huā = nguyên hoa).

Phân bố

Sinh sống trong các khu rừng, các sườn núi có các cụm cây bụi ở độ cao 300-1.000 m tại An Huy, Phúc Kiến, Cam Túc, Quý Châu, Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, Giang Tây, Thiểm Tây, Sơn Đông, Sơn Tây, Tứ Xuyên, Chiết Giang, Đài Loan và có thể có ở Triều Tiên

Dó bô lua (Thụy hương giấy - Daphne bholua)

Dó bô lua, danh pháp hai phần: Daphne bholua. Loài này mọc ở khu vực có độ cao 1.700-3.500 mét trên dãy Himalaya và các dãy núi lân cận, từ Nepal đến phía nam Trung Hoa. Tại khu vực thấp hơn nó là cây thường xanh ở các bìa rừng. Nó thường có chiều cao khoảng 2,5 mét, dù vài cá thể có thể cao 4 mét hoặc hơn.


Phân bố

D. bholua phân bố ở dãy Hymalaya và các dãy núi liền kề, từ Nepal qua Bhutan, Bangladesh, Myanma và Việt Nam (tỉnh Lào Cai) và Tứ Xuyên cùng tây bắc Vân Nam. D. bohlua là một trng các loài thuộc chi Thụy hương được dùng trong ngành làm giấy truyền thống ở Nepal do đó trong tiếng Anh nó có tên gọi là "paper daphne" (thụy hương giấy). Dù vài bộ phận cây được cho là độc, vỏ và rễ được dùng trong y học cổ truyền Nepal để trị sốt.