Nhà cổ Trần Phú Cương

 Di tích Nhà cổ Trần Phú Cương

Nhà ở là loại hình kiến trúc xuất hiện sớm nhất so với các loại hình kiến trúc khác, là không gian kiến trúc phục vụ cho đời sống sinh hoạt gia đình nhằm chống lại những bất lợi của điều kiện thiên nhiên với thời tiết khắc nghiệt như nắng, mưa, bão, lũ... để từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho con người có chổ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống, để có thể làm kinh tế và phát triển tức là an cư lạc nghiệp.

Ngôi nhà của ông Trần Phú Cường ra đời với những lý do đó mà người có công xây cất là ông cố của ông là ông Trần Văn Nhơn. Đây là mốc đánh dấu sự thành đạt lớn của những cư dân trong cộng đồng làng xã ở thời kỳ khai hoang lập ấp tại làng Tân Phú Đông, Tổng An Trung, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc. Đặc biệt ông là người gốc Hoa, là hậu duệ 04 đời của ông Trần Công Lượng người Hoa gốc ở quận Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đã lánh nạn sang Việt Nam trong thời kỳ kháng Thanh phục Minh. Với thời gian kéo dài công việc kháng Thanh phục Minh không thành nên định cư luôn tại Sa Đéc.

Ngôi nhà có giá trị nhiều mặt về kiến trúc nhà Nam bộ vùng Sa Đéc xưa đầu thế kỷ XX, kiến trúc ngôi nhà là sự giao thoa của 02 loại hình kiến trúc phương Đông và phương Tây. Mặt trước nhà là hệ thống các cửa vuông, cửa vòm theo kiến trúc La Mã thời phục hưng, trên nóc có hình mỏ neo, hình quả bầu, đầu đao, mái nhà, có hình dợn sóng tượng trưng cho vùng sông nước đồng bằng Nam Bộ, cũng là hồi tưởng lại thời kỳ vượt trùng dương rời đất nước Trung Hoa để đi đến vùng đất mới này. Ý nghĩa này tự nó đã đem lại cho ngôi nhà một vị trí quan trọng trong kho tàng văn hoá địa phương.

Kiến trúc ngôi nhà có qui mô và điển hình của ngôi nhà 03 gian của người Việt gốc Hoa ở Nam Bộ. Trong nhà với nhiều hoa văn đắp nổi, các bức vẽ trang trí trên trần rất đặc sắc. Hình ảnh cây trúc, chim loan, chim phụng, hoa cúc, hoa mai muốn nói đến tính cách người quân tử trong nho giáo, loan phụng hoà minh, sắc cầm hảo hiệp của đôi vợ chồng hạnh phúc, Khác với người Việt, gian giữa họ thờ phật, thờ quan công với sự thành kính trang nghiêm, đây là một nét văn hoá đặc biệt của người Hoa. Bàn thờ Quan Công với hoành phi “TRUNG NGHĨA” sơn son thếp vàng với các cột tượng Quan Công, Quận Bình và Châu Xương đặt trong khánh thờ trên một bàn thờ bằng tủ cổ cẩn ốc xà cừ với nhiều đề tài phong phú đã tạo nên nét uy nghi cổ kính trang nghiêm cho gian nhà. Các bộ ghế xưa, ghế đai cẩn đá, bộ ván ngựa gõ, các đồ thờ tự bằng đồng, bằng gốm sứ đã nói lên sự giàu có của gia đình.

Đặc biệt với 06 chiếc lồng đèn cách tân của thương gia người Hoa Huỳnh Cẩm Thuận tặng trong ngày lễ tân gia đã biểu hiện sự giao lưu của tầng lớp giàu có trong các lễ lạc ngày xưa. Ngôi nhà còn giữ lại gần như nguyên vẹn cái bếp nấu ăn của gia đình giàu có đầu thế kỷ XX. Bếp nấu được đốt bằng than hoặc củi và có hệ thống nướng ở trên. Loại bếp này hầu như không còn ở các nhà cổ của Việt Nam. Phản quan trọng tôn kính nhất đẹp đẽ nhất trong ngôi nhà trước nhà chính. Gian giữa thờ phật, thờ quan công, gian phải thờ cửu huyền, gian trái thờ cha mẹ. Đây là thể hiện sự kính trọng với bậc tiền nhân mà mọi người Hoa đều thờ cúng và tin tưởng vào sự phù hộ độ trì của ông bà cha mẹ là người đã có công sinh thành nuôi dạy tạo lập gia sản cho họ thừa kế và phát triển. Người đã tìm đến vùng đất mới giúp họ có cuộc sống tốt đẹp giàu sang, hạnh phúc, họ luôn nghĩ rằng Quan Thánh Đế Quân, ông bà cha mẹ đã khuất luôn luôn chứng kiến mọi hoạt động trong đời sống sinh hoạt của mọi thành viên trong gia đình và bảo vệ phù hộ độ trì con cháu trong gia đình được an khang thịnh vượng trong đời sống tâm linh của họ.

Kiến trúc ngôi nhà là kiến trúc phương Tây và phương Đông kết hợp. Nhà xây bằng gạch, vôi, ô dước, có cả xi măng, phía trước là hệ thống cửa vòm có hoa văn trang trí. Bên trong nhà có kiến trúc gỗ với hoành phi, bao lam sơn son thếp vàng, câu đối cẩn ốc xà cừ với các đề tài chim muông, cây cảnh hoa lá bốn mùa đặc sắc thể hiện đậm nét kiến trúc phương Đông. Đặc biệt ngôi nhà người Việt gốc Hoa có khác với ngôi nhà thuần Việt là lối ra vào nhà từ cổng đi thẳng vào cửa nhà ngay gian chính giữa. Gian giữa thờ phật, thờ quan công, ông bà cha mẹ thờ ở 02 bên. Ngôi nhà thuần Việt thì cổng không đi thẳng vào cửa nhà mà thường nằm ở bên trái, vào nhà đi từ ngoài hành lang trước nhà chính. Gian giữa thờ phật, ông bà, cha mẹ không thờ Quan Thánh Đế Quân. Ngôi nhà là niềm tự hào của con cháu dòng họ, của những người Việt gốc Hoa ở Sa Đéc về sự thành đạt của họ tại mảnh đất này. Là nơi giới thiệu phát huy truyền thống lao động cần cù sáng tạo của các người thợ hồ, thợ mộc ngày trước. Với ngôi nhà này là một dấu xưa còn lại để góp phần quan trọng phát huy truyền thống lao động cần cù sáng tạo của các người thợ hồ, thợ mộc ngày trước. Với ngôi nhà này là một dấu xưa còn lại để góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam yêu quê hương, yêu đất nước của nhân dân địa phương.

Di tích được công nhận di tích cấp tỉnh theo Quyết định Số 1238/QĐ-UBND-HC, ngày 29/12/2010 của UBND Tỉnh Đồng Tháp.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét