DI TÍCH BIA TƯỞNG NIỆM CHI ĐỘI TRẦN PHÚ IV

-----------------------

 Đối diện với chùa Ông Quách (Kiến An Cung) là tấm bia tưởng niệm Chi đội Trần Phú (còn gọi là Chi đội Hải ngoại), là đơn vị được ra đời từ phong trào cách mạng của Việt kiều ở Thái Lan, sau Cách mạng Tháng Tám 1945.

 Tấm bia được thực hiện bằng tấm lòng trân trọng và ghi ơn các chiến sĩ Chi đội Hải ngoại đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng tại Sa Đéc, đã tô đậm trang sử vàng truyền thống của quân đội, của nhân dân và của mảnh đất Sa Đéc anh hùng…


       Bia tưởng niệm chi đội Trần Phú IV đặt tại khóm 1- phường 2

 Ngày 26/12/1946, tại một khu rừng gần chùa Amphơ Đệt (thuộc một huyện ở đông nam Thái Lan, giáp biên giới Kampuchia), toàn đơn vị làm lễ xuất phát và nhận lá cờ mang tên “Chi đội Trần Phú”. 5 giờ 30 ngày 27/02/1947 đơn vị về đến Tây Ninh và lấy tên là “Chi đội Hải Ngoại IV”, rồi hành quân về đến địa bàn Sa Đéc.

 Tháng 5/1947, Đảng bộ và nhân dân thị xã Sa Đéc mở đợt thi đua lập công mừng sinh nhật lần thứ 57 của Bác Hồ. Đơn vị được giao nhiệm vụ tấn công vào nội ô thị xã; đây là lần ra quân toàn Chi đội đầu tiên và ra mắt đồng bào Sa Đéc, cũng là lần đầu Chi đội kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ. Toàn đơn vị hạ quyết tâm bí mật tiếp cận, bất ngờ nổ súng, đánh cho địch tê liệt ngay từ đầu, làm chủ thị xã ngay sau đó để các lực lượng khác làm công tác tuyên truyền, trừ gian diệt ác…

 23 giờ đêm 18 rạng 19/5/1947, Chi đội tấn công vào kho xăng của địch. Cả thị xã bừng lên trong ánh lửa cao vút ngất trời, đốt cháy cuồng vọng cướp nước của bọn ngoại xâm. Hỏa lực, lựu đạn từ các mũi tấn công của ta nổ dồn dập vào các đồn Cảnh sát, bót canh của địch khắp thị xã. Tiếng chân chạy rầm rập, tiếng cháy nổ giòn tí tách…. Rồi tiếng súng nổ ở ngay chân Cầu Sắt Quay. Quân ta đã vào tới trung tâm thị xã. Bọn địch hoang mang chỉ còn nước chui vào công sự, chúng hoàn toàn không biết quân cách mạng có bao nhiêu, từ đâu tới, liên thanh nổ xé tai… rõ là đối phương có trang bị mạnh tấn công chúng. Chỉ trong nửa giờ đồng hồ, quân ta đã làm chủ thị xã, làm thiệt hại 10.000 lít xăng của địch, bắt sống 10 tên, thu 10 súng, giáo dục và và thả tù binh tại chỗ hàng trăm tên. Các đội trừ gian tỏa đi khắp các đường phố. Đội tuyên truyền chia nhau đi dán truyền đơn, khẩu hiệu…. Tiếng loa vang lên trong đêm loan tin chiến thắng, dõng dạc đọc lại lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ. Các cán bộ đoàn thể đi móc nối lại các cơ sở, giao nhiệm vụ….

 


Những hoạt động của “Chi đội Hải Ngoại” ở Sa Đéc và vùng phụ cận đã góp phần làm chuyển biến tình hình của tỉnh Sa Đéc và trong khu vực. Từ thế o ép của địch, bị lấn chiếm của chúng, ta đã chuyển sang thế bao vây đồn bót, từng bước chủ động tấn công địch, xây dựng nhiều đội vũ trang tuyên truyền. Từng đơn vị nhỏ lẻ hoạt động sâu vào vùng đồng bào có đạo ở ven sông Hậu và cù lao sông Tiền…. Ta đã làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều tên địch, làm thất bại bước đầu âm mưu của thực dân Pháp và tay sai phản động. Chính quyền và cơ sở cách mạng được giữ vững, củng cố thêm. Chiến tranh du kích phát triển mạnh, các khu căn cứ của ta được mở rộng.

 Nhân dân Sa Đéc luôn nhớ về những người con trung kiên của Tổ quốc đã vượt qua tất cả gian nguy thử thách để giữ gìn quê hương yêu quí, với truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, việc dựng bia tưởng niệm Chi đội Trần Phú là để ghi dấu sự kiện lịch sử sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, để các thế hệ hôm nay và mai sau noi gương, tiếp bước tiền nhân trên con đường dựng xây đất nước….

 Ngày 22 tháng 12 năm 2005, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có quyết định công nhận Bia tưởng niệm Chi đội Trần Phú là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 2291/QĐ-UBND-HC