DI TICH CHÙA ÔNG QUÁCH
(KIẾN AN CUNG)
-----------
Trên đường Trần Hưng Đạo, ngay tại dốc cầu Cái Sơn 2, du khách sẽ xao xuyến trước một công trình kiến trúc đặc sắc và độc đáo, thể hiện sự tài hoa của những người thợ xứng đáng được tôn vinh là nghệ nhân.
Nhìn tổng thể từ bên
ngoài, hàng rào xây bằng xi-măng nhưng được chế tác như những cọc tre xanh
trước khoảng sân thoáng đãng; cửa ngõ được thiết kế đơn giản, lạ mắt nhưng lại
gần gũi, không có vẻ xa cách của chốn tâm linh. Toàn bộ ngôi chùa được thiết kế
không có kèo mà chỉ có đòn tay ráp mộng, chịu lực trên những cột gỗ tròn có
đường kính 30cm. Mặt tiền của chùa được thiết kế hài hòa với 3 gian chính, mái
ngói âm dương được lợp theo kiểu dợn sóng rồng trải nền cho 6 ngọn sóng cong
vút lên cao mà 6 đầu ngọn sóng ấy là 6 cung điện nguy nga, tráng lệ được thu
nhỏ, biểu trưng cho tinh thần vượt khó và thành đạt.
Trước khi bước vào chánh điện, du khách sẽ đi qua một bậc cửa được làm bằng đá xanh; 2 con kỳ lân cũng bằng đá xanh khá lớn, miệng ngậm trái châu; tiếp đó là 2 tượng thần thiện- ác, đứng canh giữ trước chùa. Kế đến là một khoảng sân lộ thiên,vừa để làm nơi tế lễ, vừa để lấy khí trời và là lối thoát cho khói hương. Những hàng cột lớn, đen bóng đồ sộ; hoành phi, câu đối, bao lam, thành vọng, liễn, chấn… tất cả được chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng rực rỡ.
Ngay giữa chánh điện là bàn thờ ông Quách (tức Quảng Trạch Tôn Vương), mặt đỏ hồng, chân gác lên, tay nâng đai ngọc; hai bên có hai vị thần cầm ấn kiếm, tướng diện oai phong lẫm liệt; bên tả là Thanh Thuỷ Tổ Sư (nguyên là thầy thuốc chữa bệnh cho dân); bên hữu là Bảo Sanh Đại Đế (có nhiệm vụ bảo vệ sanh mạng của người trung nghĩa)…. Người không chánh tâm bước vào thoạt nhìn ắt phải sợ sệt. Phía trước bàn thờ có tượng quan Thánh Đế Quân, có sắp hai hàng binh khí sáng ngời; cạnh bên có Đông lang và Tây lang để làm nơi tiếp khách khi đến cúng bái, trên vách tường có vẽ những bức tranh theo lối thủy mạc, nét vẽ rất uyển chuyển, sống động, những hình thập điện phong thần, những truyện xưa tích cũ mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Hằng năm, chùa có hai lễ tế: Ngày 22
tháng 02 (âm lịch) là ngày sinh của ông Quách và ngày 22 tháng 08 (âm lịch) là
ngày ông thành đạo; chùa có thiết lễ cúng tế rất trang nghiêm, đông đảo người
đến dự và cầu nguyện. Đáo lệ 03 năm thì lập trai đàn, cầu siêu cho bá tánh; cầu
quốc thái dân an, phong điều vũ thuận….
Đã một thế kỷ trôi qua, Kiến An Cung ngày ngày vẫn tỏa khói hương nghi ngút… nhân dân Việt- Hoa luôn thành tâm, ngưỡng vọng thánh đức; cùng chung sức chung lòng xây dựng quê hương, đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư Sa Đéc. Chùa ông Quách là một công trình kiến trúc độc đáo, một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá phương Đông. Ngày 27 tháng 04 năm 1990, Bộ Văn hoá- Thông tin đã có Quyết định xếp hạng công nhận Kiến An Cung là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
0 Nhận xét
Cám ơn bạn đã quan tâm!