Di tích Đình Tân Qui Tây


        Ngôi Đình có tên là “Tân Tây Võ Miếu” vốn có khá lâu nhưng đến đời vua Khải Định mới được xây dựng khang trang như ngày nay. Nhìn bề ngoài, Đình không có vẻ gì bề thế hay những đường nét kiến trúc gì độc đáo cho lắm… nhưng đối với nhân dân làng Tân Quy Tây (cũ) thì bao nhiêu hoài vọng về một cuộc sống an bình- thịnh vượng đều được gởi gắm ở đây.

        Thời gian cứ lặng lẽ trôi, ngôi Đình vẫn cứ hiện hữu trong đời sống tâm linh của nhiều người thuộc nhiều thế hệ nhưng một điểm son ngời sáng trong tiến trình tồn tại của ngôi Đình, tô đậm trang sử vàng bằng trận tập kích oanh liệt của lực lượng vũ trang thị xã Sa Đéc phối hợp với bộ đội chủ lực của tỉnh Vĩnh Long, đánh vào Tiểu đoàn 3 (thuộc Trung đoàn 15 của Sư đoàn 9 quân đội Sài Gòn) đóng quân tại Đình Tân Quy Tây vào đêm 12 rạng 13 tháng 11 năm 1966.



        Để chuẩn bị cho trận đánh này, ngay từ đầu mùa khô 1966 Tỉnh đội Vĩnh Long (lúc này Sa Đéc thuộc về tỉnh Vĩnh Long) đã đưa bộ đội về kết hợp với lực lượng vũ trang Sa Đéc để đánh mạnh, đánh đau, đánh vào “sân sau” của lực lượng Sư đoàn 9 (Sài Gòn) có hậu cứ và chỉ huy sở đặt tại Đình Tân Quy Tây. Đồng thời, cơ sở binh vận cũng đã được chuẩn bị kỹ về mọi mặt để hiệp đồng chặt chẽ với phương án “nội công ngoại kích”. Kế hoạch tập kích đã được chuẩn bị rất chu đáo, có cả thảy 6 bộ phận để hiệp đồng đánh ngay trong đêm, làm cho địch bất ngờ, trở tay không kịp, hạn chế đến mức thấp nhất mọi thiệt hại về phía ta, gây tử vong cho địch và thu được nhiều chiến lợi phẩm cho ta. Đúng theo kế hoạch, các chiến sĩ cách mạng được cải trang mặc quân phục Sài Gòn, có cơ sở nội tuyến hướng dẫn ung dung đi qua các vọng gác của địch mà chúng không phát hiện được. Cứ như thế mà tiến thẳng vào tận “sào huyệt” của chúng, rồi bất ngờ nổ súng, lực lượng từ các phía hiệp đồng xung phong áp sát mục tiêu. Cả một góc trời bừng lên trong ánh lửa, hỏa lực, liên thanh, lựu đạn từ các mũi tấn công của ta nổ dồn dập về phía địch, tiến chân chạy rầm rập, tiếng cháy nổ tí tách… làm cho bọn địch hoang mang, kinh hồn tán đởm, tháo chạy tán loạn. Chỉ trong 30 phút chiến đấu oanh liệt, lực lượng vũ trang của ta đã diệt gọn Đại đội 4 của Tiểu đoàn 3 (thuộc Trung đoàn 15, Sư đoàn 9), tiêu diệt 115 tên, bắt sống 27 tên, thu 180 súng các loại, 8 máy PRC 25, đốt cháy 5 xe GMC, thu hàng tấn đạn dược các loại và rất nhiều quân trang, quân dụng khác.


        Đây là trận đánh đã làm cho địch hoang mang, sa sút tinh thần; đồng thời ngăn chặn bước tấn công của địch vào vùng giải phóng. Đây cũng là trận đánh có sự kết hợp giữa quân sự, chính trị và binh vận rất chặt chẽ, các cơ sở hoạt động hợp pháp của cách mạng đã thực hiện công tác chuẩn bị hết sức chu đáo. Cũng qua trận đánh này cũng làm cho hàng ngũ địch bị phân hóa dữ dội, nhiều gia đình binh sĩ đã có sự tin tưởng vào cách mạng, số tù binh bị bắt được cách mạng đối xử tốt, khi trở về đã có số người tìm để móc nối với cách mạng… tất cả đã góp phần đưa phong trào cách mạng tại địa phương lên một bước phát triển mới.



        Con đường Lý Thường Kiệt chạy dài từ trung tâm nội ô thị xã Sa Đéc đi ngang qua Đình Tân Quy Tây, miễu Bà Chúa Xứ có gốc cổ thụ hàng trăm năm tuổi… ngày ngày vẫn tấp nập xe cộ qua lại, chiếc cầu bê tông cũ kỹ còn hiện rõ năm xây dựng 1928 (được gọi là cầu Đình) mà cách đó không xa là 2 chiếc cầu bê tông khác mới được xây dựng đầu thế kỷ XXI này: một chiếc được gọi là cầu Cái Sơn 4, chiếc kia được gọi là cầu Đốt (tên gọi này đã được ghi dấu bằng một cú đánh dằn mặt của lực lượng cách mạng vào năm 1949). Trong khoảng không gian không rộng lớn ấy mà có đến mấy di tích lịch sử - văn hóa thấm đẫm truyền thống yêu nước, có bề dày của thời gian, có độ sâu của đời sống tinh thần….


        Ngày nay đã có một công viên nhỏ trước Đình Tân Quy Tây với tấm bia tưởng niệm để ghi lại chiến công oanh liệt của quân dân Sa Đéc tại đây. 

        Được UBND tỉnh Đồng Tháp xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 29/12/2010. 1241/QĐ-UBND-HC