Di tích Nơi diễn ra trận tiêu diệt Thiếu tướng Chanson và Thủ hiến Thái Lập Thành

     Nơi diễn ra trận tiêu diệt Thiếu Tướng Chanson và Thủ hiến Thái Lập Thành (trước cổng trường Cao đẳng nghề Đồng Tháp, P.3, thành phố Sa Đéc).

        Tháng 7/1951, được tin báo sẽ có đoàn quan chức cấp cao Pháp - Việt kinh lý Sa Đéc. Tổ chức cách mạng chủ trương đánh phá nhằm gây tiếng vang, tạo niềm tin cho nhân dân, đồng thời gây hoang mang và làm suy yếu trong hàng ngũ của địch. Nhiều biện pháp đánh địch, làm sao cho đạt kết quả tuyệt đối mà lực lượng cách mạng ít thiệt hại nhất. Sau cùng, thống nhất phương án là cá nhân tiếp cận đối tượng, dùng trái nổ tiêu diệt đối tượng. Anh Phan Văn Út đã nhận và hứa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.



         Ngày 31/7/1951, chính quyền bù nhìn Sa Đéc tổ chức tiếp đón đoàn kinh lý với nhiều nghi thức cấp cao: một đội lính quân nhạc, một đội lính Lê Dương, một đội lính Cao Đài, mật thám và một bộ phận thanh niên Bảo Quốc Đoàn. Đoàn kinh lý của địch có Thiếu tướng Chanson, Thủ hiến Thái Lập Thành và nhiều quan chức, tuỳ tùng cùng đi. Phan Văn Út đứng trong khối Thanh niên Bảo Quốc Đoàn, hai túi quần có 2 quả lựu đạn O.F và con dao nhọn (dự phòng nếu kế hoạch ném lựu đạn không thành thì dùng dao chiến đấu).
        Đúng 9 giờ, đoàn xe chở bọn chúng qua cầu Sắt Quay rồi dừng trước cổng Dinh Tỉnh trưởng để tiến vào khu lễ đài. Lợi dụng lúc các đội quân bồng súng chào, Phan Văn Út rút chốt lựu đạn để hờ, khi đoàn đến khối Bảo Quốc Đoàn thì Anh tiến sát đối tượng, bằng động tác thuần thục như tỏ vẻ phấn khởi chào mừng “quan khách” để làm chốt 2 quả lựu đạn bung ra và phát nổ. Hai tiếng nổ long trời, náo loạn cả khu Dinh Tỉnh trưởng. Thiếu tướng Chanson, Thủ hiến Thái Lập Thành chết tại chỗ, Đại tá Dusette và Trung tá Seven bị thương nặng rồi sau đó chết trên đường đến bệnh viện Vĩnh Long, 12 tên khác bị thương. Phan Văn Út đã anh dũng hy sinh tại nơi hành động, lúc này là 9 giờ 31 phút ngày 31/7/1951 khi đó anh chỉ mới 19 tuổi đời.
        Sự kiện trên đã gây chấn động trên toàn cõi Đông Dương và cả nước Pháp. Báo chí Pháp - Việt đều chạy những dòng tít lớn, đưa tin này. Tại Sa Đéc, Pháp đã cách chức hàng loạt quan chức bù nhìn, gây hoang mang lớn trong hàng ngũ tay sai bán nước và bọn Pháp xâm lược.

        Sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của Phan Văn Út là tấm gương cho các thế hệ thanh niên và lực lượng vũ trang noi theo. Nhiều Chi đoàn, Chi đội, nhiều đơn vị và cá nhân khắp nơi tổ chức thi đua, học tập, chiến đấu theo gương Anh. Phong trào đã có tác động tích cực, lực lượng và cơ sở cách mạng ngày càng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp tại Sa Đéc nói riêng và cả nước nói chung. Người thanh niên dũng cảm        Phan Văn Út đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 22/7/1998.


        Để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi gương tinh thần yêu nước, sự dũng cảm, ý chí kiên cường… của anh, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Sa Đéc đã dựng tượng đài anh hùng lực lượng vũ trang Phan Văn Út. Đây là một công trình thể hiện tấm lòng trân trọng ghi ơn đối với người anh hùng liệt sĩ, mà còn là một công trình lịch sử - văn hóa… du khách đến Sa Đéc không thể không đến để chiêm nghiệm, ngưỡng mộ về người thanh niên yêu nước, kiên cường Phan Văn Út.
         Di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 508/QĐ-UB-HC, ngày 28/03/2002, của UBND Tỉnh Đồng Tháp