Di tích Nhà cổ ông Nguyễn Thành Giung

Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ ông Nguyễn Thành Giung. Ông sinh năm 1894 tại làng Tân Đông, khu tham biện Sa Đéc. Đổ tiến sĩ khoa học năm 1923, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Thanh niên của chính phủ Nam kỳ năm 1951, mất năm 1959 tại Sài Gòn. Nhà được cất vào năm 1927 theo kiểu biệt thự kiến trúc Pháp để nghỉ dưỡng mỗi khi ông về quê nghỉ hè, lễ, tết… Hiện nay là trụ sở của Ủy Ban nhân dân Phường 4, Thị xã Sa Đéc.



Sở dĩ gọi đây là “biệt thự” cổ vì ngôi nhà được xây theo kiểu Pháp do đích thân chủ nhân thuê kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Thợ xây nhà ngoài một ít là thợ phụ và nhân công người địa phương thì số còn lại đều là những thợ lành nghề chuyên xây các dinh thự, biệt thự, công sở cho người Pháp đưa từ Sài Gòn về dưới sự chỉ huy thi công cũng là một người Pháp.

Chủ nhân ngôi biệt thự, người Sa Đéc thường gọi là “tấn sĩ” Giung tức là ông Tiến sĩ Nguyễn Thành Giung – một nhân vật có tài học rộng biết nhiều lúc bấy giờ. Theo Nhân vật chí Đồng Tháp thì Ông Nguyễn Thành Giung sinh năm 1894 tại làng Tân Hưng, Sa Đéc (nay thuộc phường IV, thị xã Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp). Ông nội là Nguyễn Văn Cư, người làng Tân Đông (Cái Bè cạn), nay thuộc xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc, trước ông Cư có làm quan “Cựu Trào” nhận chức cai tổng lâu năm rồi được phong làm “huyện hàm”, sau về già có cất ngôi chùa gần nhà để tu tâm dưỡng tánh.

Cha ông Nguyễn Thành Giung là ông Nguyễn Thành Gia, làm Ban biện Phó tổng. Mẹ là bà Hồ Thị Lựu, giỏi về kinh doanh buôn bán. Vừa biết khai thác ruộng đất, vừa làm thương mại nên gia đình này là một trong những gia đình giàu có ở Sa Đéc.

Năm 1915, Nguyễn Thành Giung được sang Pháp du học tại Đại học Khoa học Marseille, tốt nghiệp trường này với văn bằng Tiến sĩ vạn vật học, xếp hạng ưu. Trở về nước ông Nguyễn Thành Giung giảng dạy bộ môn vạn vật học tại các trường Sư phạm Sài Gòn, Chasseloub laubat, Petrus Trương Vĩnh Ký, rồi làm Hiệu trưởng trường trung học Mỹ Tho.

Năm 1952 -1953 ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong nội các Nguyễn Văn Thinh, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm. Có lúc ông kiêm luôn Phó Viện trưởng Viện đại học hỗn hợp Việt – Pháp tại Hà Nội và chi nhánh tại Sài Gòn. Ngày 14/10/1953 ông ký nghị định số 193-GD/NA ban hành một chương trình giáo dục mới “trên toàn cõi Việt Nam”.Thật ra chương trình giáo dục này cũng chỉ “sửa đổi lại chút ít chương trình cũ” tức chương trình Hoàng Xuân Hãn.


     Cũng cần nhắc lại việc ra đời của chương trình Hoàng Xuân Hãn. Ngày 19/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, với chiêu bài trao trả độc lập cho Việt Nam; Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Ông Hoàng Xuân Hãn làm Bộ trưởng Bộ giáo dục và mỹ thuật. Để có một chương trình trung học hoàn toàn Việt Nam, một hội đồng soạn thảo được thành lập gồm các học giả, tri thức Việt Nam dạy học và làm việc tại Huế: Phạm Đình Ái (Lý, Hoá), Nguyễn Thúc Hào (Toán), Nguyễn Dương Đôn (Toán), Nguyễn Huy Bảo, Nguyễn Văn Hiền (Triết), Tạ Quang Bửu (Vật lý), Ưng Qủa (Pháp văn), Hà Thúc Chính (Anh văn), Ngô Đình Nhu (Sử, Địa) Hoài Thanh, Đào Duy Anh (Việt văn), Lê Văn Căn, Nguyễn Hữu Quán (Vạn vật).

Qua những tài liệu và lời kể của những người Sa Đéc thì đây là một công trình kiến trúc “kiểu Tây” nhưng vẫn mang đậm yếu tố của phương Đông. “Biệt thự” xây trên một khu đất gò cao có diện tích khoảng 3.000m2 nằm cặp bên lộ làng Tân Hưng (nay là đường Trần Văn Voi – thành phố Sa Đéc) với thiết kế một lầu, một trệt. Phần trên cùng có 3 nóc, hai nóc hình bánh ú và một nóc hình thang cân có chung một cây đòn dông. Ngoài cây xà chính, phần mái còn có năm cây xà quan trọng khác tượng trưng cho: Càn, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh mang tình trấn yếm.

Một yếu tố khác mang đậm tính phương Đông là vị trí “biệt thự”. “Biệt thự” xây theo hướng Đông Nam, trước có sông Sa Đéc, sau là ruộng vườn mênh mông, có lộ làng đi ngang và nằm bên cạnh chợ phù hợp với cách chọn đất cất nhà của người xưa: nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, tứ cận điền. “Biệt thự” cổ của “tấn sĩ” Giung mất gần 3 năm xây dựng và hoàn thành vào năm 1928. Không rõ kinh phí xây dựng là bao nhiêu nhưng đây là “phần thưởng” mà cha mẹ ông dành riêng cho con trai khi hoàn thành chương trình học bên Pháp với kết quả tối ưu. Người Sa Đéc xưa kể lại, hôm làm lễ tân gia “biệt thự”, tiến sĩ Nguyễn Thành Giung mở yến tiệc linh đình mời bà con, bạn bè gần xa và cả các “quan Tây” làm việc tại dinh Tham biện Sa Đéc tham dự.

Kiến trúc bên trong “biệt thự” cổ này cũng khá độc đáo. Biệt thự được chia làm ba gian mà mặt trước không đều nhau. Gian bìa phải nhô ra trước, gian giữa lùi ra sau và gian bìa trái lùi ra sau một chút nữa. Hai tầng đều các phòng với những chức năng khác nhau dành cho sinh hoạt gia đình như phòng ngủ, phòng thờ cúng, phòng ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh… Chúng tôi xin phép dừng lại mô tả tỉ mỉ kiến trúc căn “biệt thự” cũ này ở đây. Chỉ xin nói thêm, chỉ riêng kiến trúc của các cửa sổ, cửa ra vào, khuôn bông sắt cũng đã là một công trình nghệ thuật đáng được lưu giữ cho đời sau.

Do làm việc thường xuyên ở Mỹ Tho, Sài Gòn thậm chí có lúc ở Hà Nội nên ông Nguyễn Thanh Giung và gia đình chỉ sinh sống trong “biệt thự” này vào các kỳ nghỉ hè, các ngày lễ, Tết hay những khi ông có dịp đi công vụ các tỉnh gần Sa Đéc. Năm 1955, tiến sĩ Nguyễn Thành Giung nghỉ hưu. Ông mất năm 1959 ở Sài Gòn và được an táng ở nghĩa trang đất thánh Tây (Đa Kao) – Sài Gòn. Năm 1982, thi thể ông được hỏa táng và gởi sang Pháp cho vợ con. Là một người giàu có, có quyền lực và được học hành đàng hoàng nên tiến sĩ Giung cũng đã giáo dục 3 đứa con mình (02 trai, một gái) học hành đến nơi đến chốn. Tất cả đều sinh sống ở Pháp.

Sau năm 1975, toàn bộ con cháu ông Nguyễn Thành Giung sang Pháp định cư, ngôi “biệt thự” vắng chủ này được nhà nước quản lý cho đến nay. Lúc đầu là cơ sở nuôi dạy trẻ, rồi trại dưỡng lão thị xã Sa Đéc. Sau đó là trường tiểu học. Từ  Năm 2000, nơi đây là nơi làm việc của Ủy ban Nhân dân phường 4 – thành phố Sa Đéc cho đến nay. Do để phù hợp với điều kiện làm việc của một cơ quan nhà nước nên Ủy ban Nhân dân phường 4 đã cất thêm bên trái một hội trường, bên phải một nhà giữ xe làm choáng mất không gian vốn có của một “biệt thự” tuy nhiên toàn bộ kiến trúc khác vẫn được địa phương thường xuyên trùng tu và bảo quản.

 Được xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 09/12/2009. 1655/QĐ-UBND-HC