Toà hành chính tỉnh Sa Đéc

 

Di tích Tòa Hành chính tỉnh Sa Đéc

Là loại hình di tích lịch sử cách mạng. Được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX. Là nơi làm việc của tỉnh trưởng Sa Đéc. Ngày 25/08/1945, đoàn đại biểu Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Sa Đéc do đồng chí Trần Thị Nhượng (Sáu Ngài) đến gặp tỉnh trưởng Sa Đéc là Lê Tấn Bửu buộc giao chính quyền cho Việt Minh. Tên Bửu lúc đầu không đồng ý nhưng trước sức mạnh của quần chúng tập trung hoan hô Ủy ban Khởi nghĩa, buộc chúng phải chấp nhận bàn giao chính quyền cho Việt Minh. Đây là nơi chứng kiến sự mưu trí, dũng cảm, kiên quyết không khoan nhượng của quần chúng cách mạng đê cướp chính quyền về tay nhân dân vào tháng 08/1945 mà điển hình là bà Sáu Ngài.


Tòa hành chánh Sa Đéc: Nằm bên bờ sông Sa Đéc từ những thập niên đầu thế kỷ 20, trãi qua bao năm tháng, đến nay Tòa hành chánh tỉnh Sa Đéc vẫn còn đó khí thế hào hùng, góp phần tạo nên “tiếng nói của quá khứ” mà nhân dân Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) nói riêng và Nam bộ nói chung đã làm nên lịch sử. Tòa hành chánh tỉnh Sa Đéc được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại, một trệt, một lầu, là nơi làm việc cho bộ máy cai trị thuộc địa của bọn thực dân Pháp.

Từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945 các tên Tỉnh trưởng người Pháp và người Việt đều làm việc tại đây. Sau cách mạng tháng 8 thành công, trụ sở văn phòng Ủy ban cách mạng cũng đặt tại nơi này. Sau khi Pháp tái chiếm Sa Đéc và các tỉnh khác, Pháp sử dụng là nơi làm việc của Tỉnh trưởng. Tháng 10 năm 1957 tỉnh Sa Đéc trở thành một quận của tỉnh Vĩnh Long, Tòa nhà này là Văn phòng Bộ tư lệnh Sư đoàn 9 (Ngụy).
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nơi đây sử dụng làm nơi làm việc của một số cơ quan như: Trụ sở Đoàn liên cơ, Ban nội chính Tỉnh ủy, Ban bảo vệ sức khỏe, công ty du lịch, Trường chính trị và hiện nay là Trường Cao đẳng nghề Đồng Tháp.

Nhớ về mùa thu năm 1945, tại nơi đây, hàng ngàn quần chúng bao vây làm áp lực, Cô giáo Ngài (đồng chí Sáu Ngài), tên gọi thân thương mà nhân dân Sa Đéc thường gọi bà Trần Thị Nhượng, nữ cộng sản trung kiên đã đại diện Ủy ban khởi nghĩa hai lần đến gặp tên tỉnh trưởng Lê Tấn Bửu buộc giao chính quyền về tay Mặt trận Việt minh. Bọn địch tuy ngoan cố, chống cự, giằng co,…nhưng không còn đường nào khác, chính quyền bù nhìn thân Nhật buộc phải giao toàn bộ vũ khí và chính quyền cho Ủy ban khởi nghĩa. Chính quyền tỉnh Sa Đéc đã về tay nhân dân. Đấu tranh thắng lợi nhưng không xảy ra đổ máu.

 Công việc khởi nghĩa giành chánh quyền ở tỉnh lỵ và toàn tỉnh Sa Đéc diễn ra đúng thời điểm lịch sử cùng với Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, mau lẹ, không đổ máu, giành thắng lợi hoàn toàn, trọn vẹn.

Sự kiện này thể hiện sự lãnh chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy lâm thời Sa Đéc, đường lối đúng đắn, vận động tuyên truyền quần chúng đoàn kết đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, tạo được uy thế áp đảo kẻ thù.
Khởi nghĩa thắng lợi, ngọn lửa cách mạng khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân, phát huy triệt để ý chí kiên cường “chết vẫn không lùi bước”, hiên ngang tranh đấu với bọn xâm lăng, bán nước, bảo vệ quê hương đất nước.
Lịch sử của tỉnh Sa Đéc gần ngót một thế kỷ bị giặc Pháp cai trị bắt đầu sang trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Sa Đéc nói riêng.

* Di tích được công nhận di tích cấp tỉnh theo Quyết định Số 417/QĐ-UB-HC, ngày 10/4/2003 của UBND Tỉnh Đồng Tháp.

 





Đăng nhận xét

0 Nhận xét