Cây hoa cát đằng

Cây hoa cát đằng có nhiều tên gọi khác như: dây bông xanh, cây bông báo,; tên khoa học là Thunbergia grandiflora; Tên tiếng anh: Sky flower, Blue trumpet vine. Cây thuộc họ Ô rô –  Acanthaceae, quê hương từ đất nước Ấn Độ.


Cát đằng thuộc loại cây dây leo, thân hóa gỗ, phát triển nhanh, nhiều cành nhánh mềm, dài, sống lâu năm, chiều cao đạt tới 20m. So với nhiều loại cây hoa dây leo khác, cát đằng có lá rất to, dầy, đầy sức sống. Lá cát đằng màu xanh đậm, lá đơn, mọc trên cuống dài, đối xứng nhau. Lá hình đa giác dạng lá mướp, có lông ở hai mặt với gân lá nổi rõ, sờ vào lá thấy ráp.

Hoa cát đằng hình ống với những cánh tràng xếp dạng hoa loa kèn. Hoa kết thành chuỗi dài lãng mạn, mỗi bông hoa điểm xuyết trên dây với sắc xanh tím, sau đó dần chuyển sang trắng. Họng hoa màu kem sọc xanh, vàng nhạt hoặc màu trắng. Hoa nở vào buổi sáng sớm rồi nhẹ nhàng cụp lại khi đêm xuống nên hoa khá bền. Cát đằng nở hoa vào tháng 5-11. Cát đằng có quả nang với đuôi nhọn, nhẵn, có màng bao dạng lưới, quả ăn được.

Lợi ích và ứng dụng cây dây cát đằng

Cây hoa cát đằng là biểu trưng cho tình yêu quảng đại, cây còn mang ý nghĩa” Đừng dồn tôi vào bước đường cùng”.

Nếu bạn muốn chọn cây leo che nắng nóng, phát triển nhanh thì cát đằng là lựa chọn số 1:

Cát đằng được trồng thành giàn trước cửa nhà, làm thành cổng vòm buông xuống những chuỗi hoa mềm mại, tạo vẻ đẹp lãng mạn cho khuôn viên nhà bạn, vừa che nóng hiệu quả, vừa đem lại không gian sạch, trong lành. Trồng dây cát đằng thành giàn sẽ khoe hết vẻ đẹp lãng mạn của chùm hoa buông rủ.

Với bộ lá to,mọc dầy đặc nên dây cát đằng còn đặc biệtđược ưa thích trồng trên sân thượng hoặc ban công hướng tây cho cây rủ xuống phía dưới tạo thành tấm rèm thiên nhiên xanh mát, điều hòa không khí trong mùa hè.

Cát đằng còn được trồng hàng rào chống nóng và đem lại màu xanh cho khuôn viên ngôi nhà.

Chu kỳ nở hoa dài nên cát đằng còn được trồng tạo cảnh quan đẹp ở: công viên, sân vườn.

Cát đằng trồng ở vòm cổng sẽ làm nên chiếc cổng xanh thu hút.

Ngoài công dụng trang trí và điều hòa không khí, dây cát đằng còn là vị thuốc hữu hiệu trong Đông y:

Ở Malaysia , người ta nghiền nát lá cát đằng rồi lấy nước ép đắp vào các vết bỏng, đứt tay, hoặc đắp vào tai cho người điếc. Lá cây còn có tác dụng hạ sốt ,khử độc.

Ở Thái Lan, một số công ty thảo dược đã chế biến và xuất khẩu chè reo jeud từ dây cát đằng. Loại chè này có thể khử độc do tác hại của rượu, ma túy và thuốc lá.

Cách trồng chăm sóc cây dây cát đằng

Dây cát đằng thuộc loại cây dây leo sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ, cây cực dễ trồng và chăm sóc, chúng ta chỉ cần lưu ý một số điểm sau:

Ánh sáng: Cát đằng ưa sáng, chịu nắng nóng rất tốt, tuy nhiên có thể chịu được một phần bóng râm. Cây đặc biệt ưa thích nơi có bóng râm vào buổi chiều mùa hè.

Nhiệt độ: Cát đằng rất thích khí hậu nhiệt đới, cây trồng tốt ở nhiệt độ mát hoặc nóng, chịu lạnh kém. Mùa đông cây thường rụng bớt lá và lụi dần đi, đến mùa xuân lại hồi sinh trở lại.

Độ ẩm: Dây cát đằng ưa ẩm

Đất trồng: Dây cát đằng không kén đất, cây sống được ở đất khô cằn sỏi đá nhưng lớn chậm. Tuy nhiên nếu đật giàu hữu cơ, thông thoáng, thoát nước tốt thì cát đằng sẽ phát triển cực nhanh.

Tưới nước:  Lá cát đằng to, phát triển nhanh nên cần nhiều phân bón và nước tưới, tuy nhiên cây cũng chịu hạn tốt và chịu úng kém.

Mùa hè hoặc mùa khô cần tưới nước 1-2 lần/tuần, tối thiểu 1lit nước vì cây thoát nước nhanh và nhiều qua lá. Mùa mưa không cần tưới, trồng dưới đất không cần tưới thường xuyên như trong bồn, chậu.

Bón phân: Dây cát đằng phát triển mạnh, lá to, nhiều, nên rất háu ăn. Bạn nên bón phân hàng tháng cho cây bằng các loại phân hữu cơ, vi sinh, nhả chậm…..phân giàu vi lượng.

Cát đằng được nhân giống bằng giâm cành hoặc gieo hạt. Gieo hạt mất nhiều thời gian, hoa ra chậm , tỷ lệ nảy mầm thấp, tốn công chăm nên giâm cành là cách làm nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều.